Tổng quan bệnh béo phì
Tổng quan bệnh béo phì Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Nói đơn giản hơn thì những người có trọng lượng cơ thể nặng hơn bình thường sẽ tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Béo phì khiến hormon insulin do tuyến tụy tiết ra hoạt động không hiệu quả, không thể giúp tế bào của cơ thể hấp thu đường. Lúc này, tuyến tụy sẽ cố gắng sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, thì việc sản sinh insulin của tuyến tụy sẽ giảm đi và khi đó bệnh nhân dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bệnh béo phì đang tăng lên với tốc độ báo động, đây thực sự là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của con người kéo theo đó là một loạt hệ lụy về các bệnh khác như: Cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường, ung thư…
1. Bệnh béo phì được định nghĩa như thế nào?
Thừa cân và béo phì được WHO- tổ chức y tế thế giới định nghĩa là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức có thể làm giảm sức khỏe.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một chỉ số đơn giản về cân nặng theo chiều cao thường được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người trưởng thành.
1.1 Đối với người lớn
Thừa cân là chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25 và béo phì là chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30.
1.2 Đối với trẻ em
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Thừa cân là cân nặng theo chiều cao lớn hơn 2 độ lệch chuẩn trên trung bình. Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO; và béo phì là cân nặng theo chiều cao lớn hơn 3 độ lệch chuẩn trên trung bình Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO.
Trẻ em từ 5 – 18 tuổi: Thừa cân là BMI theo tuổi lớn hơn 1 độ lệch chuẩn trên trung bình tham chiếu tăng trưởng của WHO; và béo phì lớn hơn 2 độ lệch chuẩn trên trung bình trên tham chiếu tăng trưởng của WHO.
2. Nguyên nhân bệnh béo phì
Sự thay đổi trọng lượng cơ thể cho thấy nếu năng lượng đưa vào lớn hơn năng lượng tiêu thụ thì sự tăng cân sẽ xuất hiện.
2.1 Bệnh béo phì có tính chất gia đình
Những nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh béo phì có sự xuất hiện của gen di truyền ( di truyền đa gen). Cha và mẹ bị bệnh béo phì thì có đến 80% nguy cơ con bị béo phì. Chỉ có khoảng 7% người bệnh béo phì trong khi bố mẹ bình thường.
Ngoài ra, việc ít vận động đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xuất hiện béo phì, sự phát triển khoa học, sự tiến bộ trong kỹ thuật thông tin và giao thông làm cho con người càng ít vận động. Trẻ em tăng cân nhanh một phần có vai trò của phương tiện nghe nhìn: tivi,, game và ngay cả trường học cũng ít quan tâm tới môn học hoạt động thể lực.
2.2 Do thần kinh nội tiết
- Vùng dưới đồi: Gây béo phì khi bị tổn thương, bệnh ít gặp.
- Đa nang buồng trứng: Đa nang buồng trứng gây rối loạn kinh nguyệt, tăng huyết áp, tăng androgen, kháng insulin và béo phì gặp 50% bệnh nhân
- Cường vỏ thượng thận (H.C Cushing).
- Suy giáp: Suy giáp làm rối loạn chuyển hoá nước điện giải, làm giảm Natri và giữ nước gây tăng cân, điều này hoàn toàn khác với tăng cân do béo.
- U tuỵ nội tiết (insulinoma): Do tăng insulin gây hạ đường huyết và bệnh nhân phải ăn nhiều dẫn tới tăng cân.
- Hội chứng phì sinh dục (Babinski – Froehlich).
Những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết và chuyển hóa như: U vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn mỡ máu ( lipid)…v.v sẽ kích thích tạo mô mỡ. Sự hình thành mô mỡ trong cơ thể khiến cho sự gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu Insulin, sự gia tăng hai chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị.
2.3 Bệnh béo phì do gen
Đột biến gen sản xuất Leptin hoặc đột biến Receptor của Leptin.
Đột biến gen khác:
- Gen tổng hợp POMC.
- Gen sản xuất Prohormone convertase – 1 (PC – 1)
- Me – 4 Receptor.
- PPAR – 2 (Peroxisome Proliferator Activator – receptor 2 ).
3. Thừa cân và bệnh béo phì gây ra những hậu quả gì?
BMI tăng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không truyền nhiễm như:
- Bệnh tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ), là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong năm 2012;
- Bệnh tiểu đường;
- Rối loạn cơ xương khớp (đặc biệt là viêm xương khớp – một bệnh thoái hóa khớp rất cao);
- Một số bệnh ung thư (bao gồm nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, sỏi mật, thận và đại tràng).
Thừa cân ở trẻ em có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh béo phì, tử vong sớm và tàn tật ở tuổi trưởng thành cao hơn. Nhưng ngoài việc tăng nguy cơ trong tương lai, trẻ béo phì còn gặp khó khăn về hô hấp, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, các dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý.
4. Làm thế nào có thể giảm tình trạng bệnh béo phì?
Thừa cân và béo phì, cũng như các bệnh liên quan phần lớn có thể phòng ngừa được bằng cách chọn lựa thực phẩm lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên là lựa chọn dễ dàng nhất (lựa chọn dễ tiếp cận nhất, có sẵn và giá cả phải chăng), do đó ngăn ngừa thừa cân và béo phì.
Ở cấp độ cá nhân, mọi người có thể:
- Hạn chế lượng năng lượng nạp vào từ tổng lượng chất béo và đường;
- Tăng khẩu phần trái cây và rau quả, cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt;
- Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên (60 phút mỗi ngày cho trẻ em và 150 phút trải đều trong tuần cho người lớn).
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 0766.516161 để dược giải đáp mọi thắc mắc.