Các loại xét nghiệm chức năng thận
Các loại xét nghiệm chức năng thận thường được dùng hiện nay là: Thận là một cơ quan quan trọng cuả hệ tiết niệu, có chức năng chính là tạo thành nước tiểu, chức năng lọc, tái hấp thu và bài tiết các chất từ máu thì còn chức năng hormone cũng như tham gia điều hòa thăng bằng nước điện giải và thăng bằng acid – base. Chức năng thận được đánh giá qua các xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh,… Người bệnh thường được chỉ định thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm để đánh giá chính xác nhất hoạt động của thận.
1. Các xét nghiệm sinh hóa máu
1.1 Xét nghiệm ure máu
Ure là sản phẩm thoái hóa protein của cơ thể, là các protein ngoại sinh được chuyển hóa thành axit amin nhờ các protease của đường tiêu hóa sau đó được chuyển hóa tiếp và cuối cùng thành CO2 và NH3. Ure luôn tồn tại trong máu , được lọc qua cầu thận và đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Xét nghiệm ure máu được dùng để đánh giá chức năng thận và theo dõi các căn bệnh về thận. Chỉ số chức năng thận bình thường nếu giá trị ure máu dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l.
Ure máu tăng khi chế độ ăn chứa quá nhiều protein hoặc trong trường hợp mắc các bệnh như viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi thận, suy thận, sỏi niệu quản, mất nước do sốt cao, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, suy tim sung huyết,… Ure máu giảm trên phụ nữ có thai hoặc khi người bệnh ăn ít protein, suy giảm chức năng gan, truyền nhiều dịch,…
1.2 Xét nghiệm Creatinin huyết thanh
Creatinin là sản phẩm của sự thoái hóa creatin trong các cơ, được đào thải qua thận và thận duy trì Creatinin trong máu ở một nồng độ hằng định nên nồng độ của Creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.
Giá trị creatinin bình thường đối với nam giới là 0.6 -1.2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l (đơn vị SI) và nữ giới là 0.5 – 1.1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l (đơn vị SI). Khi nồng độ creatinin trong máu tăng cao đồng nghĩa với việc có rối loạn chức năng thận. Nguyên nhân là vì khi chức năng thận suy giảm thì khả năng lọc creatinin sẽ giảm, dẫn tới nồng độ chất này trong máu sẽ tăng cao hơn bình thường.
Chỉ số creatinin trong suy thận tăng lên theo từng cấp độ suy thận. Theo tổ chức thận Mỹ (NFK) đã chia thành 5 mức độ suy thận dựa trên độ lọc cầu thận (được tính toán dựa trên chỉ số creatinine máu).
- Chỉ số creatinin dưới 130 mmol/l – suy thận độ I,
- Chỉ số creatinin 130 – 299 mmol/l – suy thận độ II
- Chỉ số creatinin 300 – 499 mmol/l – suy thận độ IIIa,
- Chỉ số creatinin 500 – 899 mmol/l – suy thận độ III b,
- Chỉ số creatinin trên 900 mmol/l – suy thận độ IV.
1.3 Điện giải đồ
Rối loạn chức năng thận gây mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Cụ thể:
- Sodium (Natri): natri máu ở người bình thường dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L. Nồng độ natri cần thiết để duy trì sự cân bằng chất lỏng và axit-bazơ và cho chức năng thần kinh cơ. Thận khỏe mạnh sẽ thay đổi quá trình bài tiết natri trong nước tiểu để ngăn ngừa tăng natri huyết. Một người bị suy thận có thể không thể bài tiết nhiều natri như bình thường, do đó gây ra chứng tăng natri huyết, có liên quan đến các triệu chứng như: mất phương hướng, cơ bắp co giật, tăng huyết áp ..
- Potassium (Kali): kali máu ở người bình thường là 3,5- 5.1 mmol/L. Thận chịu trách nhiệm chính trong việc bài tiết kali ra khỏi cơ thể và thay đổi mức độ bài tiết kali theo nồng độ hiện tại trong máu. Một người bị suy thận có thể không thể bài tiết nhiều kali như bình thường, điều này có khả năng gây tăng kali huyết. Tăng kali máu có liên quan đến các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi, yếu cơ, tê liệt, tim ngừng đập ..
- Magnesium (Magie máu): Magie máu ở người bình thường là 0.7 – 0.95 mmol/L Tương tự như vậy, suy thận cũng có thể gây tăng nồng độ magiê trong máu do không bài tiết đủ chất điện giải. Tăng magie huyết có liên quan đến các triệu chứng như: huyết áp thấp, giảm nhịp tim, tim ngừng đập ..
- Canxi máu: canxi máu ở người khỏe mạnh là 2.2-2.6 mmol/L. Có một mối quan hệ qua lại giữa phốt pho và canxi, và mức độ của cả hai chất điện giải này có thể bị ảnh hưởng bởi suy thận. Suy thận gây giảm canxi máu kèm theo tăng phosphat, nó có thể dẫn đến việc giữ lại phốt pho và giảm nồng độ canxi trong máu. Hạ calci huyết có liên quan đến các triệu chứng như: co thắt cơ bắp, co giật, loạn nhịp tim, suy tim ..
1.4 Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan
Đây là một xét nghiệm chức năng thận thường được bác sĩ chỉ định cho người nghi ngờ mắc bệnh thận. Thông thường, pH máu được duy trì ở mức 7,37 – 7,45 để đảm bảo hoạt động tối ưu của các men tế bào, yếu tố đông máu và các protein co cơ. Suy thận sẽ làm giảm thải các acid trong quá trong quá trình chuyển hóa hoặc gây mất bicarbonat, làm tăng nồng độ acid trong máu và các cơ quan trong cơ thể.
1.5 Xét nghiệm acid uric máu
Đây là xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh gout, xác định các bệnh lý về khớp (viêm khớp, đau khớp..), các bệnh lý thận (cơn đau quặn thận, thận ứ nước, suy thận…) Bình thường nồng độ acid uric trong máu của nam giới là 180 – 420 mmol/l, nữ giới là 150 – 360 mmol/l. Acid uric máu tăng ở những người mắc bệnh suy thận, gout, vẩy nến, leucemie cấp, u lympho, thiếu máu do tan máu, nhiễm toan lactic, suy tim ứ huyết ..
1.6 Một số xét nghiệm khác
- Albumin huyết thanh: là một protein giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi và chuyển hóa. Thông thường, chỉ số albumin huyết thanh là 35 – 50g/L, chiếm 60 – 80 % lượng protein toàn phần trong máu. Albumin máu giảm khi chức năng sản xuất albumin của gan bị ức chế, do albumin bị phân hủy nhiều hoặc bị đào thải nhiều qua nước tiểu (bệnh lý cầu thận cấp như viêm cầu thận cấp…)
- Protein toàn phần huyết tương bao gồm albumin và các globulin máu. Chỉ số protein trong máu bình thường ở mức 60 – 80 g/L. Người mắc bệnh lý thận thường bị giảm protein toàn phần do màng lọc cầu thận bị tổn thương.
- Tổng phân tích tế bào máu: bệnh nhân suy thận mạn tính thường bị giảm số lượng hồng cầu.
2. Xét nghiệm nước tiểu
2.1 Tổng phân tích nước tiểu
- Tỷ trọng nước tiểu: tỉ trọng nước tiểu bình thường là 1,01 – 1,020. Suy giảm chức năng thận giai đoạn sớm có thể làm giảm độ cô đặc của nước tiểu, dẫn đến giảm tỉ trọng nước tiểu. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thận, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm như nghiệm pháp cô đặc nước tiểu, nghiệm pháp pha loãng nước tiểu, so sánh tỷ trọng nước tiểu ngày và đêm,…
- Protein: mẫu tổng phân tích nước tiểu có sự xuất hiện của protein, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm định lượng protein niệu 24 giờ nếu cần thiết.
2.2 Định lượng đạm niệu (protein nước tiểu) 24 giờ
Protein trong nước tiểu ở người khỏe mạnh là 0.05 – 0.08g/l/24h (chế độ nghỉ ngơi) và <0.3g/l/24h đối với người trong chế độ luyện tập thể dục thể thao. Ở người mắc bệnh thương tổn cầu thận, viêm cầu thận cấp, suy thận, các bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng tới thận (đái tháo đường, lupus ban đỏ, tăng huyết áp),… thường bị tăng protein niệu lên trên 0.3g/l/24h.
3. Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
3.1 Siêu âm bụng
Giúp phát hiện tình trạng thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản. Nếu thận người bệnh bị ứ nước hai bên có thể gây suy thận cấp tính hoặc suy thận mạn tính, phát hiện các trường hợp bệnh thận đa nang bẩm sinh, di truyền. Hình ảnh siêu âm thấy thận có kích thước nhỏ, thay đổi cấu trúc, có nhiều nang hoặc mất phân biệt vỏ tủy,… gợi ý bệnh thận mạn tính. Ngoài ra, phương pháp siêu âm cũng có thể giúp phát hiện sỏi thận hoặc khối u trong thận.
3.2 Chụp CT Scan bụng
Là phương pháp sử dụng tia X thăm dò hình ảnh, cho phép bác sĩ thấy rõ hình ảnh toàn bộ hệ tiết niệu. Phương pháp chụp CT scan bụng thường chỉ sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ suy thận do tắc nghẽn đường tiết niệu. Chụp CT scan có tiêm thuốc cản quang bằng máy chụp đa lát cắt có thể dựng hình toàn bộ đường tiết niệu, giúp bác sĩ phát hiện được vị trí và nguyên nhân gây bế tắc niệu quản.
3.3 Xạ hình thận bằng đồng vị phóng xạ
Là xét nghiệm duy nhất cho phép đánh giá chức năng từng bên thận. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ chức năng lọc của từng thận, tỷ lệ phần trăm tưới máu và tham gia chức năng của từng thận. Ngoài ra, nếu làm thêm nghiệm pháp tiêm thuốc lợi tiểu, phương pháp xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tắc nghẽn niệu quản hai bên.
4. Chỉ định các xét nghiệm chức năng thận
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm: làm các xét nghiệm đơn giản có tính định hướng như xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu và siêu âm bụng.
- Tiền căn gia đình có các bệnh di truyền về thận hoặc có người thân bị suy thận: cần thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng và các xét nghiệm chuyên biệt về di truyền.
- Khi có các biểu hiện suy thận: nên thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu và siêu âm bụng. Nếu phát hiện các nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ niệu cần thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh. Nếu không tìm thấy tắc nghẽn thì có thể thực hiện sinh thiết thận.
- Có tiền căn can thiệp thủ thuật, phẫu thuật trên đường tiết niệu hoặc các cơ quan vùng bụng: nên làm các xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm bụng. Nếu có dấu hiệu tắc nghẽn hệ niệu nên làm thêm các xét nghiệm hình ảnh.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 0766.516161 để dược giải đáp mọi thắc mắc.