Tổng quan xét nghiệm Cholesterol
Tổng quan xét nghiệm Cholesterol Xét nghiệm cholesterol toàn phần là xét nghiệm cho biết tổng lượng cholesterol trong máu. Do cholesterol máu cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, nên thường xuyên thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần là vô cùng cần thiết giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe
1. Xét nghiệm cholesterol toàn phần là gì?
Cholesterol là chất béo có trong máu và tất cả tế bào trong cơ thể. Cholesterol có vai trò quan trọng, giúp cấu tạo nên màng tế bào, tạo ra mật giúp tiêu hóa thức ăn chứa chất béo, đóng vai trò trung tâm cho nhiều phản ứng sinh hóa, cần thiết cho sự sản xuất hormon tuyến sinh dục, tuyến thượng thận,… Có hai nguồn cung cấp cholesterol cho cơ thể, đó là cholesterol do cơ thể tự sản xuất ở gan (chiếm 80%) và cholesterol ngoại sinh, được cung cấp qua thức ăn, đặc biệt là thức ăn giàu cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, thịt, sữa,…
Như vậy, cholesterol là vô cùng cần thiết và không thể thiếu trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu cơ thể được cung cấp quá nhiều cholesterol, lượng cholesterol không được sử dụng có thể tích tụ trong mạch máu, thời gian dài sẽ tạo thành các mảng xơ vữa, gây thu hẹp, tắc nghẽn mạch máu, gây nhiều bệnh tim mạch và nguy cơ đột quỵ. Do đó, theo dõi và duy trì ổn định lượng cholesterol, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Trong cơ thể có nhiều loại cholesterol, xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần là xét nghiệm cho biết tổng lượng cholesterol được tìm thấy trong máu người bệnh. Nồng độ cholesterol toàn phần được tạo thành từ:
- LDL-Cholesterol (Low density lipoprotein cholesterol): Có tên đầy đủ là “lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp”. LDL được cấu tạo bởi lớp ngoài là lipoprotein và lõi là cholesterol. LDL được gọi là “cholesterol xấu” vì chúng thường tích tụ trên thành động mạch gây tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Giá trị bình thường của LDL-Cholesterol là <130mg/dL, lượng LDL-Cholesterol càng cao so với giá trị bình thường, nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch càng cao.
- HDL- Cholesterol (High density lipoprotein cholesterol): Gọi là “lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao”. HDL-cholesterol được gọi là “cholesterol tốt” vì chúng giúp loại bỏ, thu nhặt LDL và các cholesterol xấu khác, vận chuyển các cholesterol xấu về gan để xử lý. HDL-cholesterol giúp bảo vệ thành mạch, giữ sạch mạch máu, giúp mạch máu khỏe mạnh. Nếu lượng HDL-cholesterol >60mg/dL, đây là dấu hiệu tốt đối với sức khỏe tim mạch. Nếu HDL <40mg/dL đây là dấu hiệu không tốt.
- Triglycerid: Là chất béo trung tính trong máu. Nồng độ triglycerid bình thường <150mg/dL, từ 150-199mg/dL là cao nhẹ, từ 200-499mg/dL là mức cao và > 500mg/dL là mức rất cao. Tăng triglycerid làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch nguy hiểm khác.
Chỉ số xét nghiệm cholesterol toàn phần phản ánh nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng lớn. Trị số bình thường của cholesterol toàn phần là dưới 200mg/dL (<5.2 mmol/L). Trị số cholesterol toàn phần không tốt, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trên 240 mg/dL (>6.2 mmol/L).
2. Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm cholesterol toàn phần?
Các thực phẩm ăn trước khi làm xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong cơ thể. Do đó để kết quả xét nghiệm chính xác, bệnh nhân nên nhịn ăn trước khi xét nghiệm từ 9-12 giờ, có thể uống nước lọc, không uống sữa, nước ngọt, cà phê, hút thuốc,… Tuyệt đối không dùng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn trước xét nghiệm 24 giờ, vì có thể làm sai lệch kết quả. Thời điểm lấy máu xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng.
3. Các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến chỉ số xét nghiệm cholesterol toàn phần
Kết quả xét nghiệm cholesterol toàn phần chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Chế độ ăn của bệnh nhân: Nếu bệnh nhân vừa ăn các thực phẩm giàu cholesterol như trứng, phủ tạng động vật,… sẽ làm tăng nồng độ cholesterol máu, kết quả xét nghiệm bị sai lệch.
- Một số loại thuốc như: Thuốc an thần, lansoprazol, levodopa, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc ngừa thai, thuốc lợi tiểu thiazid, vitamin D, phenytoin, phenobarbital,… có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Lượng cholesterol máu mùa đông thường cao hơn mùa hè khoảng 8%.
4. Làm gì khi để kiểm soát chỉ số cholesterol toàn phần?
Cholesterol máu có thể cao ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng gì, do đó các chuyên gia y tế khuyên nên tất cả người trưởng thành nên xét nghiệm cholesterol máu theo định kỳ để theo dõi, kiểm soát cholesterol máu ít nhất 5 năm/lần. Nếu kết quả xét nghiệm cholesterol cao, việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi và hiệu quả hơn.
Để duy trì nồng độ cholesterol ở mức tốt cho sức khỏe, nên duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày, chế độ ăn uống đủ chất, ăn nhiều chất xơ, hạn chế các thực phẩm có nhiều cholesterol như thịt đỏ, các chế phẩm từ sữa, phủ tạng động vật,… Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 0766.516161 để dược giải đáp mọi thắc mắc.