Tổng quát bệnh viêm đa cơ
Tổng quát bệnh viêm đa cơ Viêm đa cơ là bệnh hệ thống chưa rõ nguyên nhân, có thể bắt đầu một cách bất ngờ. Bạn đọc nên hiểu rõ về viêm đa cơ: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị để có thể đề phòng và phát hiện bệnh sớm.
Viêm đa cơ là bệnh tương đối hiếm gặp nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu bệnh nhân thiếu cảnh giác. Bệnh nhân nên tham khảo bài viết để biết khi nào cần đi khám viêm đa cơ với các bác sĩ Cơ Xương Khớp.
Viêm đa cơ là gì?
Viêm đa cơ và viêm da cơ là bệnh hệ thống chưa rõ nguyên nhân, có cơ chế tự miễn. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm, thoái hóa của các sợi cơ vân, gây yếu cơ, teo cơ, đặc biệt là các cơ ở gốc chi, dẫn đến giảm hoặc mất chức năng vận động.
Nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh gấp hai lần nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi (ở người lớn 40-60 tuổi và ở trẻ em 5-15 tuổi ). Bệnh viêm đa cơ có liên quan mật thiết với bệnh viêm da cơ (viêm đa cơ kèm biểu hiện ở da).
Hai bệnh này có bản chất bệnh là một, nhưng nếu biểu hiện viêm chỉ có ở hệ cơ, thì gọi là bệnh viêm đa cơ, nếu cả hệ da cũng có biểu hiện viêm, thì gọi là bệnh viêm da cơ. Ngoài ra, còn có viêm đa cơ phối hợp với bệnh lupus ban đỏ, bệnh viêm đa khớp dạng thấp…
Triệu chứng viêm đa cơ
Viêm đa cơ có triệu chứng tiến triển trong vòng 3 – 6 tháng:
- Cơ bắp: Các nhóm cơ gần trục cơ thể suy yếu (hông, đùi, vai, cánh tay và cổ). Các cơ đối xứng 2 bên cơ thể bị ảnh hưởng từ từ khiến bệnh nhân khó vận động. Ngoài ra, có thể xuất hiện triệu chứng đau cơ
- Triệu chứng toàn thân: Sút cân, sốt, chán ăn, mệt mỏi, viêm khớp, cứng khớp buổi sáng
- Suy yếu các cơ vùng hầu họng, cơ thành ngực và cơ hoành gây ra các triệu chứng của viêm phổi hít, bao gồm: thở khò khè, ho sặc, tím tái, tụt huyết áp…
- Tiêu hóa: Táo bón, đầy hơi, khó nuốt, trào ngược thức ăn lên mũi, viêm thực quản do trào ngược dạ dày
- Tim: hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, đau thắt ngực do rối loạn nhịp tim, viêm màng ngoài tim, suy tim, viêm cơ tim
- Tiết niệu: Hoại tử ống thận cấp gây ra biểu hiện nước tiểu có màu nâu đỏ, tiểu ít
- Da: Da bàn tay, ngón tay đổi màu trắng hoặc xanh tím, tê, dị cảm
Ai có nguy cơ bị viêm đa cơ?
- Người mắc các bệnh lý Lupus ban đỏ, xơ cứng bì, hội chứng Sjogren
- Các tác nhân truyền nhiễm: HIV, Virus viêm gan B, cúm
- Một số loại thuốc có thể góp phần gây ra viêm đa cơ, viêm cơ, ly giải gân cơ
Viêm đa cơ có nguy hiểm không?
Viêm đa cơ có biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể:
- Suy dinh dưỡng
- Viêm phổi hít, bệnh phổi kẽ
- Bệnh tim mạch: Suy tim, viêm cơ tim,…
- Hội chứng Raynaud
- Ung thư phổi, vú, bàng quang,…
- Teo cơ, da mỏng, hạ kali trong máu, huyết áp, đái tháo đường
Xét nghiệm chẩn đoán
Các xét nghiệm cơ bản bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Men cơ tăng cao
- Điện cơ có dấu hiệu tăng hoạt động tự phát (lúc nghỉ),giảm biên độ, rung sợi cơ, điện thế đa pha
- Sinh thiết cơ có biểu hiện thâm nhiễm tế bào viêm một nhân ở sợi cơ, tổ chức kẽ hay quanh các mạch máu kèm hoại tử cơ.
- Chụp cộng hưởng từ MRI đánh giá tình trạng viêm trên một vùng cơ lớn
Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số xét nghiệm phân biệt khác theo chỉ định của bác sĩ do bệnh viêm đa cơ có triệu chứng tương tự với một số bệnh lý khác.
Điều trị viêm đa cơ
Bệnh có tiên lượng tốt. Điều trị càng sớm thì phục hồi càng tốt. Khoảng 1/2 số bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn. Có một số có di chứng yếu cơ vùng vai hoặc háng.
- Sử dụng thuốc: Corticosteroids là lựa chọn hàng đầu kết hợp thuốc hỗ trợ cho corticosteroid
- Áp dụng các liệu pháp vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp
- Lọc huyết tương trong trường hợp dùng thuốc không có tác dụng
Viêm đa cơ tuy không thường gặp nhưng bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan, cần đi khám sớm khi nhận thấy những triệu chứng bệnh đầu tiên.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 0766.516161 để dược giải đáp mọi thắc mắc.